Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Kỹ năng gọi điện thoại cho khách hàng

Ngày nay việc giao tiếp qua điện thoại đã trở thành hoạt động phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta phải biết kỹ năng giao tiếp qua điện thoại cơ bản để có thể nói chuyện với gia đình, bạn bè, với đối tác kinh doanh, tìm kiếm khách hàng, tiếp nhận khách hàng sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Đối với người quen thì việc giao tiếp trò chuyện qua điện thoại có thể thoải mái. Nhưng trong kinh doanh thì kỹ năng giao tiếp qua điện thoại đóng vai trò quan trọng trong việc bạn có kiếm được khách hàng hay không.
Kỹ năng giao tiếp khi nhận điện thoại
Bạn có biết rằng mặc dù giao tiếp qua điện thoại, ngăn cách bởi một khoảng cách địa lý giữa người nói và người nghe nhưng những gì bạn thể hiện từ cảm xúc, giọng nói, thái độ tiếp nhận và trả lời đều truyền tín hiệu tới người gọi điện thoại hay không?

Tiếp nhận điện thoại với thái độ tích cực cởi mở.
Chính vì thế để tạo ra một cuộc giao tiếp mang lại hiệu quả tích cực, bạn nên nắm một số kỹ năng nhỏ nhưng rất hữu ích như sau:
Đừng để chuông đổ quá 3 lần khi bạn ở ngay đó. Nhấc máy ngay ở lần thứ 2 hoặc thứ 3 thể hiện bạn là người luôn chú trọng công việc, tôn trọng người gọi.

Thái độ của bạn sẽ khiến người gọi cảm nhận được và quyết định có muốn trò chuyện với bạn nữa hay là nói vài ba câu và nhanh chóng cúp máy. Hãy nhấc máy với một tinh thần tích cực, thái độ niềm nở, mỉm cười và xưng tên mình hoặc tên công ty cho đối phương biết rõ. Có lẽ nhiều người không để ý một điều lý thú rằng nụ cười của bạn sẽ khiến người bên kia cảm nhận được và tạo ra một tín hiệu tích cực cho cuộc giao tiếp.
Kỹ năng giao tiếp qua điên thoại phải được trainning rất kỹ với nhân viên chăm sóc khách hàng, hay nhân viên tiếp nhận điện thoại khách hàng trong công ty. Thái độ của người nhận điện thoại sẽ quyết định việc khách hàng có muốn tiếp tục làm việc với bạn hay là đặt hàng nữa không và thành hay bại của công ty cũng bắt đầu từ đó.
Trong khi lắng nghe điện thoại, đừng để người gọi độc thoại trong khi bạn chỉ im lặng lắng nghe. Hãy tích cực lắng nghe một cách có nghệ thuật. thỉnh thoảng thêm vào những từ đệm giống như “ Vâng, tôi hiểu..” “ Ồ, như vậy sao..” , “ Dạ..” . Lắng nghe và phản hồi lại người gọi bằng cách đặt những câu hỏi mở rộng vấn đề họ muốn nói. Với khách hàng thì bạn có thể đặt thêm những câu hỏi khai thác để khách hàng hiểu về sản phẩm dịch của bạn đồng thời bạn cũng nắm được họ cần gì để bạn cung cấp một cách đầy đủ chính xác nhất.

Sử dụng giọng điệu từ tốn, vừa phải không nói qua to hay thì thầm. Với người Việt Nam việc xưng hô với khách hàng bằng em và anh ( chị) dường như khá hiệu quả, thể hiện được sự tôn trọng khác hàng. Nếu bạn là người đứng tuổi có thể xưng danh với khác hàng hoặc người gọi đến là bạn và ( mình).
Kết thúc cuộc nói chuyện, tổng hợp lại những gì đã nói để hai bên cùng thống nhất nếu là cuộc gọi về công việc. Với khác hàng, bạn có thể xin thông tin liên lạc để tiện gọi lại chăm sóc. Cuối cùng hãy cảm ơn khách hàng vì họ đã gọi cho bạn.

Kỹ năng giao tiếp khi bạn là người gọi
Khi bạn phải gọi điện thoại tới người lạ, là đối tác kinh doanh, hay khác hàng tiềm năng. Hãy nhanh chóng giới thiệu danh tính và mục đích cuộc gọi. Hỏi người nhận liệu mình có thể tiếp tục cuộc điện thoại vào lúc này hay không?

Mỉm cười giúp tạo tinh thần tích cực khi giao tiếp qua điện thọai
VD: “ Dạ chào anh A, em gọi điện từ công ty B muốn trao đổi với anh một số vấn đề C. Em có thể xin phép anh vài phút để trao đổi được không ạ…”
Nếu người nghe đang bận bạn có thể xin thời gian tiện nhất có thể gọi lại.

Nếu được phép tiếp tục cuộc điện thoại hãy đi vào vấn đề chính mà bạn cần nói. Đây là bước yêu cầu bạn phải chuẩn bị trước những vấn đề cần trao đổi, tránh lan man mất thì giờ của khách hàng mà bạn cũng không đạt được mục đích.

Một điểm cần lưu ý khi gọi điện thoại chính là giờ giấc. Có những khoảng thời gian như giở nghỉ trưa, giờ đi ngủ buổi tối là lúc không nên gọi điện thoại cho dù là người thân quen nhất. Vào thời gian này, người tiếp nhận thường có xu hướng khó chịu vì bị làm phiền không đúng lúc. Hãy ghi nhớ điều này.

Để giao tiếp thành công hãy luôn điều chỉnh giọng nói ở mức vừa nghe, quan trọng hơn hết chính là thái độ cởi mở nhiệt tình trong giao tiếp.
Trên đây là những kỹ năng giao tiếp qua điện thoại sẽ giúp bạn phần nào cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình. Quan trọng hơn hết bạn vẫn phải thực hành thường xuyên mới mang lại hiệu quả tốt nhất.

QUY ĐỊNH KHI GỌI ĐIỆN THOẠI CHO KHÁCH HÀNG

Nhằm đảm bảo phục vụ tốt hơn khách hàng và đảm bảo quy trình làm việc, quy định của công ty về việc trao đổi nội bộ và trao đổi với khách hàng quy định nhưng sau:
I. NGUYÊN TẮC CHUNG:
1. Nguyên tắc xưng tên: Hãy nói rõ ràng tên của bạn, ví dụ: "Dạ em X nghe" hoặc "Dạ X nghe"... dù cuộc gọi đó là của ai. Tuyệt đối không nói Alo.
Nguyên tắc xưng danh công ty: Công ty của chúng ta là Công ty Lotus Vina (viết tắt), các bạn có thể xưng danh nhóm ngành đang phục vụ, ví dụ: Em Đông bên Lotus .
2. Nguyên tắc xưng hô với khách hàng: Hãy tôn trọng khách hàng bằng việc xưng đúng tên của họ.
Có thể bắt đầu bằng câu "Dạ, cho em hỏi có phải là anh Nam bên LG Việt Nam không vậy?"
Tuyệt đối không gọi khách hàng là bạn, trường hợp có quan hệ thân thiết với khách hàng, có thể gọi khách hàng là em và xưng anh chị (nếu tuổi của nhân viên lớn hơn của khách hàng.), bằng cô chú và xưng con, cháu(nếu khách hàng lớn tuổi)..., còn không phải luôn gọi khách hàng bằng anh, chị.
3. Ưu tiên gọi đi: Khi bạn cần gọi điện thoại thì hãy gọi, càng để lâu sẽ chỉ gây rắc rối thôi. Nếu vấn đề là quan trọng và cấp thiết, hãy gọi ngay lập tức dù đó là ngày hay đêm.
4. Không gọi qua sớm hay quá trễ: Hãy đợi người bạn muốn gọi có thời gian để uống xong cà phê và vô chỗ ngồi. Khi người ta muốn về nhà, thì cũng Không làm mất thời gian của họ. Thời gian tốt nhất để gọi điện thoại trong ngày là từ 9 đến 11 giờ sáng, từ 2 đến 4 giờ chiều. (trừ trường hơp trên: Mục 3)
5. Nếu bạn nhận được câu trả lời sẵn, hãy dập máy và gọi lại sau. Và nếu bạn chưa chuẩn bị câu trả lời sẵn, tốt hơn hết bạn hãy chuẩn bị tin nhắn và gởi đi sau. Lưu ý rằng: Nếu vấn đề chưa được giải quyết, hãy thông báo cho khách hàng thời điểm có thể gọi lại trong tương lai.
Ví dụ: Dạ, để em hỏi bộ phận kỹ thuật rồi chiều nay em sẽ thông báo lại cho anh (chị) sau.
6. Không thúc giục người khác: Nếu người ta làm cái gì đó cho bạn, Không nên cứ vài tiếng là gọi hỏi thăm công việc tiến hành ra sao rồi. Làm như thế sẽ gây phiền hà, làm họ căng thẳng và chậm tiến trình công việc.
7. Không quá làm phiền khách hàng: Hãy chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung làm việc qua điện thoại với khách hàng, Không gọi quá nhiều lần và phải sẵn sàng cho những câu hỏi có thể có của khách hàng? (Khách hàng có thể hỏi: Bạn cần thông tin để làm gì...)
Ví dụ: Cần thông tin của khách hàng thì hãy chuẩn bị: Cần thông tin gì (Họ tên, Địa chỉ, CMND...), Phải xem kỹ lưỡng mức độ quan trọng của độ chính xác thông tin (Họ tên của khách hàng hay tên công ty, Địa chỉ nhà, hay địa chỉ công ty, hay địa chỉ trên CMND...)
II. QUY ĐỊNH KHI GỌI/ NHẬN CUỘC GỌI:
1. Khi gọi điện thoại, hãy luôn biết rõ mình muốn nói gì và chắc rằng bạn có đủ tài liệu để diễn đạt điều bạn muốn nói. Luôn chuẩn bị những tài liệu cần thiết, ví dụ: Bảng báo giá, hợp đồng, máy tính để thực hiện những phép tính cơ bản...Làm như thế bạn sẽ tiết kiệm được thời gian cho bạn và cho cả người nghe. Luôn phải chuẩn bị sẵn sàng trả lời các câu hỏi có thể có của khách hàng. (xem I. mục 7)
2. Điều chỉnh cách nói chuyện cho thích hợp với từng đối tượng. Những người bận rộn thường thích cách tiếp cận trực tiếp, nói ngắn gọn và hạn chế nói chuyện phiếm. Những người khác thì thích nói chuyện thân mật hơn. Cứ thế, bạn điều chỉnh cho thích hợp (trừ phi họ quá đáng hay bất lịch sự).
3. Hạn chế nói chuyện riêng: Nói chuyện phiếm thì vui đấy nhưng nó làm mất thời gian. Và sẽ khó chịu khi bạn đang có nhiều việc phải làm.
4. Hãy trả lời thẳng vào vấn đề: Những câu trả lời dài dòng thường gây hiểu lầm và thể hiện tính không chuyên nghiệp. Nếu bạn không biết câu trả lời, hãy nói bạn sẽ gọi cho họ sau khi đã có đáp án chính xác. Nếu bạn đưa ra một phán đoán sai lầm cho người tin tưởng bạn, họ sẽ không bao giờ tin bạn nữa.
5. Cuối buổi nói chuyện, hãy xác nhận lại những điều đã trao đổi: Như thế cả hai có thể xem mình đã thống nhất với nhau được điều gì để có thể đưa ra cách giải quyết thích hợp.
6. Không nói chuyện riêng khi đang dùng điện thoại: Hãy tỏ ra chuyên nghiệp và tôn trọng khách hàng bằng cách tập trung vào cuộc gọi. Nói chuyện riêng, hoặc không tập trung sẽ khiến bạn không trao đổi được gì. Nếu có chuyện gấp, hãy nói người ta giữ máy để nói tiếp sau đó hoặc hẹn vào thời điểm khác để nói chuyện với khách hàng.
7. Trước khi cúp máy hãy chào khách hàng: Sau khi đã xác nhận nội dung trao đổi, hãy thông báo với khách hàng là chúng ta sẽ kết thúc trao đổi và cúp máy. Phải chú ý xem nội dung đã trao đổi xong chưa? Không để khách hàng cảm thấy hụt hẫng vì họ muốn trao đổi thêm.
Ví dụ:
"Vấn đề của anh em đã báo cho nhân viên kỹ thuật xử lý, khoảng đầu giờ chiều nay em báo lại kết quả cho anh" >>> Xác nhận nội dung.
"Anh cần trao đổi gì thêm không ạ?", "Dạ, còn vấn đề gì nữa không anh" >> Khách hàng nói không và chúng ta có thể kết thúc bằng câu "Vậy em cúp máy nha"
III. QUY ĐỊNH XƯNG DANH TỪNG BỘ PHẬN:
1. Tiếp tân:
- Nhận cuộc gọi từ bên ngoài: "Dạ, Lotus xin nghe", hoặc "Dạ, công ty Lotus Vina xin nghe"
- Nhận cuộc gọi nội bộ: "Dạ, em X bộ phận tiếp tân nghe", "Dạ, em X nghe", "Dạ, X nghe", "Dạ, tiếp tân nghe"
Cuộc gọi bên ngoài phải có từ "xin nghe", nội bộ chỉ cần "nghe"
2. Phòng kinh doanh:
- Nhận cuộc gọi từ bên ngoài: "Dạ, em X phòng kinh doanh nghe", "Dạ, phòng kinh doanh nghe", "Dạ, em X phòng kinh doanh Lotus nghe", "Dạ, phòng kinh doanh xin nghe"...
- Nhận cuộc gọi nội bộ: "Dạ, em X nghe", "Dạ, X nghe"
3. Phòng kỹ thuật: Tương tự kinh doanh
IV. LỜI KẾT:
Trong quy định có những gợi ý cho nhân viên, tùy vào khả năng, kiến thức cũng như nghệ thuật của mình, nhân viên có thể tùy biến cho phù hợp với công việc và vị trí của mình.